Ngón tay chỉ trăng

Ngón tay chỉ trăng

Ni sư Vô Tận Tạng hỏi Lục tổ Huệ Năng:

- Tôi đọc kinh Niết Bàn nhiều năm, vẫn có chỗ chưa hiểu rõ ý. Xin Ngài không tiếc lời chỉ dạy.

Lục tổ đáp:

- Ta không biết chữ. Xin bà đọc lớn văn kinh. Ta sẽ vì bà mà giải chơn lý trong đó.

- Ngay cả chữ, ngài còn không biết, làm sao giải được chơn lý trong đó?

- Chơn lý không liên quan gì đến văn tự. Chơn lý như trăng sáng giữa hư không mà văn tự như ngón tay. Ngón tay có thể chỉ chỗ của mặt trăng. Song ngón tay không phải là mặt trăng. Nhìn mặt trăng cũng không cần nhất định phải nhờ ngón tay. Có phải vậy chăng?

Bình: Ngôn ngữ văn tự chỉ mượn dùng để biểu đạt chơn lý. Nó như xe thuyền chuyển tải, giúp ta đạt đến cảnh giới tỏ ngộ mà thôi. Lầm cho văn tự là chơn lý, không khác nào lầm nhận ngón tay là mặt trăng. Đó là bệnh, có đáng cười không?!